Dưới đây là những kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh cửa hàng cà phê hiệu quả, tham khảo ngay nhé!
Lập kế hoạch kinh doanh quán cà phê
Việc đầu tiên bạn cần thực hiện khi chuẩn bị mở cho mình một quán cà phê là lên ý tưởng, xác định rõ nhóm khách hàng mục tiêu của mình là ai. Lợi nhuận từ bất cứ quán kinh doanh đồ ăn, thức uống nào cũng đến từ khách hàng trung thành, do vậy hãy xác định rõ chân dung khách hàng chân thành như độ tuổi, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt… sau đó đưa ra chiến lược marketing phù hợp để tiếp cận nhóm đối tượng đó, biến khách hàng đến quán trở thành khách hàng trung thành. Xác định mục tiêu kinh doanh sau đó đưa ra cho mình một kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Xem xét và lựa chọn địa điểm
Sau đó hãy xem xét địa điểm mở quán cẩn thận, bởi mặt bằng là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định lượng khách hàng đến quán của bạn. Hãy tìm một địa điểm có đông người qua lại, tốt nhất nên có mặt tiền gần đường lớn để mọi người dễ dàng nhìn thấy quán và hãy chắc chắn rằng khu vực này tập trung rất nhiều đối tượng khách hàng mà bạn đã hướng đến. Và đừng quên nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh xung quanh nữa, hãy để ý thật kỹ lượng khách hàng đến quán họ và phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng quán từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh cho phù hợp.
Tìm điểm khác biệt cho quán
Hãy tự đặt ra cho mình một câu hỏi: "Điều gì thực sự làm cho quán cà phê của bạn trở nên đáng giá để khách hàng đến cửa hàng của bạn chứ không phải những quán cà phê khác?”. Điểm khác biệt chính là yếu tố làm nên thành công. Hãy tự đưa ra cho mình một câu trả lời như không gian đẹp, không gian rộng, đa dạng các loại đồ ăn thức uống, công thức pha chế ngon, nhân viên phục vụ thân thiện và chuyên nghiệp, giá đồ uống rẻ… Đây chính là chiếc chìa khóa kinh doanh thành công mà bạn đang kiếm tìm.
Lựa chọn phong cách và thiết kế quán
Tiếp đến, hãy lựa chọn phong cách cho quán. Một số phong cách có thể tham khảo là cà phê sách, cà phê cóc, cà phê sân vườn…. Tự lên ý tưởng và thiết kế, trang trí cho quán theo một gu thật sáng tạo và bắt mắt là một trong những lợi thế giúp bạn cạnh tranh trên thị trường.
Dự trù chi phí
Kinh doanh bất cứ mặt hàng nào cũng cần dự trù chi phí để bạn có thể chuẩn bị sẵn cho mình một lượng tiền đủ để mở quán.
+ Chi phí mặt bằng
Tùy theo địa điểm, diện tích sử dụng mà giá thuê có thể đắt hay rẻ. Hãy dự trù kinh phí cho hợp đồng thuê mặt bằng ít nhất 6 tháng và có thể thương thảo với chủ nhà về mức giá thuê rẻ hơn nếu bạn ký hợp đồng dài hạn và thanh toán đúng kỳ hạn. Và hãy chắc chắn rằng giá thuê sẽ không tăng quá nhiều sau từng thời hạn như 6 tháng, 1 năm.
+ Chi phí thiết kế và trang trí
Chi phí này sẽ bao gồm các chi phí sửa chữa, cải tạo lại mặt bằng quán, chi phí mua bàn ghế, đồ vật trang trí, bồn rửa, dụng cụ pha chế, tủ lạnh, máy ép, biển hiệu quảng cáo… Thông thường chi phí này sẽ rơi vào khoảng từ 70-120 triệu đồng.
+ Chi phí vận hành
Chi phí vận hành bao gồm các chi phí tiền lương cho nhân viên, tiền điện, tiền nước, tiền mạng, marketing, khấu hao…
Bạn phải dự trù chi phí vận hành ít nhất 6 tháng bởi thời gian đầu khai trương có thể chưa đông khách, thậm chí phải bù lỗ để có thể duy trì vận hành quán lâu dài, đến khi quán đã đi vào ổn định và có lãi.
Giải quyết các vấn đề giấy tờ cần thiết
Khởi nghiệp kinh doanh một quán cà phê dù to hay nhỏ thì cũng cần giải quyết hết các vấn đề về pháp lý như:
(1) Giấy phép đăng ký kinh doanh. Bạn cần đến UBND quận (huyện) hoặc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh/thành phố và làm theo hướng dẫn;
(2) Giấy Chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền cấp chứng nhận
(3) Các khoản thuế cần nộp là thuế môn bài hàng năm, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Bạn cần đến Chi cục Thuế Quận (huyện) và làm theo hướng dẫn.
Tìm nguồn cung cấp nguyên liệu đáng tin cậy
Nguyên liệu là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đồ uống, ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng quán. Do vậy, hãy đặt mua nguyên liệu cà phê của các đơn vị bán hàng có uy tín trên thị trường để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đối với hoa quả thì nên chọn mua ở những cửa hàng lớn, uy tín và có giấy chứng nhận hoa quả sạch. Còn nếu mua của người quen, hãy đảm bảo rằng hoa quả đó hoàn toàn sạch và không có hóa chất bảo quản.
Mua sắm trang thiết bị và tuyển nhân viên
Hãy liệt kê danh sách những đồ dùng cần thiết cho việc mở quán cà phê như bàn ghế, tủ lạnh, tivi, máy móc… Bạn có thể tham khảo từ các quán cà phê đã mở khác để lên list những sản phẩm cần mua cho phù hợp.
Sau đó, xác định số lượng nhân viên cần thiết và đăng bài tuyển dụng. Cố gắng đào tạo nhân viên thật kỹ lưỡng, bài bản để đáp ứng được tất cả những đòi hỏi khắt khe của những khách hàng khó tính. Ngày nay, khi mà các cửa hàng cà phê mọc lên như núi thì chất lượng dịch vụ chính là yếu tố then chốt làm nên thương hiệu và tạo ra khách hàng trung thành.
Tạo công thức pha chế và thực đơn
Khách hàng đến quán với mục đích thưởng thức đồ uống, thư giãn là chính. Vậy nên ngoài yếu tố không gian bạn cần tập trung vào chất lượng đồ uống để tạo điểm nhấn và dùng nó để thu hút, giữ chân khách hàng.
Ngoài đồ uống, bạn có thể phục vụ các đồ ăn đi kèm như bánh ngọt, hoa quả, đồ ăn nhẹ… để đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách.
Lập kế hoạch marketing
Sau khi chuẩn bị đầy đủ tất cả, để nhiều người biết đến quán bạn cần xây dựng kế hoạch marketing thật chu đáo và hấp dẫn. Với sự phổ biến của mạng xã hội bạn có thể đăng tải các nội dung marketing lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram. Hãy kết hợp thêm một chút mã giảm giá cho ngày khai trương và khuyến khích mọi người check-in, chụp ảnh tại quán để có thêm nhiều người biết đến quán.
Xem thêm:Bật mí công thức giúp kinh doanh online thành công trên Fanpage Facebook
Ngoài ra, bạn có thể đăng tải thông tin lên các trang Foody, Lozi, Grab Food, Go-viet… để ship đồ uống đến tận nhà cho khách.
Trên đây là tổng hợp kinh nghiệm mở quán cà phê cho người mới bắt đầu. Chúc bạn kinh doanh thành công!